Hướng dẫn cách tính thuế nhập khẩu, hạch toán thuế nhập khẩu

Hướng dẫn cách tính thuế nhập khẩu, hạch toán thuế nhập khẩu

Thuế nhập khẩu là gì? Đối tượng chịu thuế nhập khẩu và đối tượng chịu thuế nhập khẩu bao gồm? Cách tính thuế nhập khẩu và hạch toán thuế nhập khẩu?… Qua bài viết này, Kế toán Hải Dương sẽ giúp bạn nắm rõ quy định về thuế nhập khẩu.

Nội dung chính:

  • I. Thuế nhập khẩu là gì?
  • II. Đối tượng chịu thuế nhập khẩu và không chịu thuế nhập khẩu
    • 1. Đối tượng chịu thuế nhập khẩu
    • 2. Đối tượng không chịu thuế nhập khẩu
  • III. Thời điểm tính và nộp thuế nhập khẩu
  • IV. Quy định thuế suất thuế nhập khẩu
  • V. Hướng dẫn cách hạch toán, cách tính và tỷ giá tính thuế nhập khẩu
    • 1. Hướng dẫn cách hạch toán thuế nhập khẩu
    • 2. Hướng dẫn cách tính thuế nhập khẩu
    • 3. Tỷ giá tính thuế nhập khẩu
  • VI. Trường hợp miễn thuế nhập khẩu
  • VII. Hướng dẫn cách hạch toán hàng nhập khẩu
    • 1. Hướng dẫn cách hạch toán hàng nhập khẩu
    • 2. Cách xác định tỷ giá hạch toán giá trị hàng nhập khẩu
  1. THUẾ NHẬP KHẨU LÀ GÌ?

Thuế nhập khẩu là thuế của một đất nước đánh vào hàng hóa được nhập khẩu vào nước đó mà có nguồn gốc từ nước ngoài trong khâu nhập khẩu nhằm bảo hộ thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm sản xuất trong nước và bổ sung khoản thu cho ngân sách nhà nước.

  1. ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ NHẬP KHẨU VÀ KHÔNG CHỊU THUẾ NHẬP KHẨU
  2. Đối tượng chịu thuế nhập khẩu
  • Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam;
  • Hàng hóa nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác vào thị trường trong nước;
  • Hàng hóa nhập khẩu tại chỗ, hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
  1. Đối tượng không chịu thuế nhập khẩu
  • Hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu hay hàng hóa trung chuyển;
  • Hàng hóa viện trợ nhân đạo;
  • Hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
  • Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng ở khu phi thuế quan;
  • Hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác.

III. THỜI ĐIỂM TÍNH VÀ NỘP THUẾ NHẬP KHẨU

  1. Thời điểm tính thuế nhập khẩu
  • Thời điểm tính thuế nhập khẩu là thời điểm tiến hành đăng ký tờ khai hải quan;
  • Tờ khai hải quan cần phải đăng ký trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong vòng 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu.
  1. Thời điểm nộp thuế nhập khẩu
  • Thời điểm nộp thuế nhập khẩu là thời điểm trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa;
  • Trường hợp bạn được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật Hải quan mà được phép thực hiện nộp thuế sau khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa thì hạn chót nộp thuế là ngày thứ 10 của tháng kế tiếp;
  • Trường hợp doanh nghiệp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được nộp thuế sau thời điểm thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp theo quy định. Tiền chậm nộp được tính từ ngày được thông quan hoặc hàng hóa được giải phóng. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày kể từ ngày bạn đăng ký tờ khai hải quan.

Một số trường hợp đặc biệt

Đối với hàng hóa phải phân tích, giám định để tính chính xác số thuế phải nộp, hàng hóa chưa có giá chính thức tại thời điểm khai hải quan hay hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan:

  • Bạn sẽ tạm nộp thuế trên theo giá khai báo;
  • Trường hợp giám định, phân tích hàng hóa, giá chính thức của hàng hóa hay khoản thực thanh toán, khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan cho kết quả giá trị hàng hóa cao hơn giá trị hàng hóa dùng để tính nộp thuế trước đó. Số tiền thuế phải nộp sẽ tăng. Trong trường hợp này, thời hạn nộp số tiền thuế bổ sung là 5 ngày làm việc kể từ ngày bạn nhận được yêu cầu khai bổ sung của cơ quan hải quan;
  • Trường hợp giám định, phân tích hàng hóa, giá chính thức của hàng hóa hay khoản thực thanh toán, khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan cho kết quả giá trị hàng hóa thấp hơn giá trị hàng hóa dùng để tính nộp thuế trước đó… Trong trường hợp này, bạn đang nộp thừa tiền thuế. cơ quan hải quan sẽ thông báo cho bạn để kê khai bổ sung số liệu chính xác. Với khoản tiền thuế nộp thừa, bạn có thể làm hồ sơ xin hoàn hoặc để bù trừ vào số tiền thuế phải nộp của các lần nhập khẩu tiếp theo.
  1. QUY ĐỊNH THUẾ SUẤT THUẾ NHẬP KHẨU

Thuế suất thuế nhập khẩu rất đa dạng, tùy vào tính chất hàng hóa, công dụng hàng hóa và xuất xứ hàng hóa sẽ có mức thuế suất áp dụng khác nhau. Cùng một mặt hàng, cùng một công dụng nhưng nếu nhập khẩu từ hai nước khác nhau thì quy định mức thuế suất áp dụng cũng sẽ khác nhau.

Thuế suất thuế nhập khẩu có ba nhóm thuế suất chính tùy vào các hiệp định kinh tế Việt Nam ký với các nước sẽ áp dụng như sau:

  • Thuế nhập khẩu thông thường: Áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc trường hợp áp dụng thuế suất ưu đãi;
  • Thuế nhập khẩu ưu đãi: Áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc, xuất xứ từ nước có thực hiện đối xử tối huệ quốc (MFN) trong quan hệ thương mại với Việt Nam;
  • Thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt: Áp dụng với hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc, xuất xứ từ các nước có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam.

Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ nước ký hiệp định kinh tế có ưu đãi thuế với Việt Nam, thì cần chuẩn bị Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin – CO) để nộp cho cơ quan hải quan và hưởng ưu đãi theo quy định.

  1. HƯỚNG DẪN CÁCH HẠCH TOÁN, CÁCH TÍNH VÀ TỶ GIÁ TÍNH THUẾ NHẬP KHẨU
  2. Hướng dẫn cách hạch toán thuế nhập khẩu

Thuế nhập khẩu phát sinh sẽ được ghi nhận vào giá vốn của hàng hóa. Khi phát sinh thuế nhập khẩu, thì hạch toán như sau:

Nợ TK 156 – Hàng hóa;

Có TK 3333 – Thuế nhập khẩu.

  1. Hướng dẫn cách tính thuế nhập khẩu

Có 3 phương pháp tính thuế nhập khẩu, bao gồm:

Phương pháp 1: Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm

Thuế nhập khẩu = Số lượng hàng hóa nhập khẩu x Giá tính thuế của mỗi đơn vị hàng hóa x

Thuế suất thuế nhập khẩu

 

Phương pháp 2: Phương pháp tính thuế tuyệt đối

Theo phương pháp này, cơ quan hải quan sẽ ấn định số thuế phải nộp trên một đơn vị hàng hóa nhập khẩu, thuế nhập khẩu phải nộp được tính như sau:

Thuế nhập khẩu

= Số lượng hàng hóa nhập khẩu x

Giá trị thuế nhập khẩu mà cơ quan hải quan ấn định trên một đơn vị hàng nhập khẩu

 

Phương pháp 3: Phương pháp tính thuế hỗn hợp

Nếu áp dụng tính thuế theo phương pháp này, số thuế nhập khẩu phải nộp được tính như sau:

Thuế nhập khẩu = Tổng số thuế phải nộp theo phương pháp tỷ lệ phần trăm và tuyệt đối

 

  1. Tỷ giá tính thuế nhập khẩu

Tỷ giá tính thuế nhập khẩu là tỷ giá ngoại tệ mua vào chuyển khoản của Hội sở chính Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) tại thời điểm cuối ngày của ngày thứ năm tuần trước liền kề.

Trường hợp ngoại tệ đó không được Vietcombank công bố tỷ giá, thì sẽ các định theo tỷ giá chéo giữa đồng Việt Nam với một số ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

  1. TRƯỜNG HỢP MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU 

Một số trường hợp được miễn thuế nhập khẩu được quy định chi tiết trong Điều 16, Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13, cụ thể như sau:

  • Thuế nhập khẩu được miễn theo Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
  • Đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt, làm việc của cá nhân, gia đình, tổ chức mang theo khi chấm dứt cư trú ở nước ngoài và về Việt Nam, quà biếu, quà tặng cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (trong định mức);
  • Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của cư dân biên giới để phục vụ sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới (trong định mức và nằm trong danh mục hàng hóa theo quy định);
  • Miễn thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng có trị giá hải quan hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu, cụ thể:

➧ Hàng hóa nhập khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá từ 1.000.000 đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng;

➧ Hàng hóa có tổng trị giá dưới 500.000 đồng hoặc tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp nhỏ hơn 50.000 đồng.

  • Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để phục vụ hoạt động gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu;
  • Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan mà những hàng hóa này không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi sản xuất, gia công;
  • Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc hàng hóa tạm xuất, tái nhập;
  • Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại như hàng mẫu, ảnh, phim, mô hình thay thế cho hàng mẫu, ấn phẩm quảng cáo số lượng nhỏ;
  • Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của các tổ chức hưởng ưu đãi đầu tư (bao gồm cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng) theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Một số hàng hóa như giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu, vật tư linh kiện để sản xuất lắp ráp trang thiết bị y tế, phục vụ hoạt động dầu khí, đóng tàu. Máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động in, đúc tiền, công nghệ thông tin, phần mềm bảo vệ môi trường, giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ… mà trong nước ta chưa sản xuất được;
  • Hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động an ninh, quốc phòng của quốc gia;
  • Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ chung cho xã hội như an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt.

VII. HƯỚNG DẪN CÁCH HẠCH TOÁN HÀNG NHẬP KHẨU 

  1. Hướng dẫn cách hạch toán hàng nhập khẩu

Khi phát sinh nhập khẩu hàng hóa, vật tư, trang thiết bị, tài sản cố định thì tiến hành hạch toán như sau:

  • Giá trị vật tư, hàng hóa, trang thiết bị, các loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… nếu có):

Nợ TK 152, 153, 156, 211…;

Có TK 33381 – Thuế bảo vệ môi trường;

Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt;

Có TK 3333 – Thuế xuất khẩu, nhập khẩu;

Có TK 111, 112, 331…

  • Thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu:

Nợ TK 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ;

Có TK 33312 – Thuế GTGT hàng nhập khẩu.

  • Khi nộp tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước:

Nợ TK 33312 – Thuế GTGT hàng nhập khẩu;

Nợ TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt;

Nợ TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu;

Nợ TK 33381 – Thuế bảo vệ môi trường;

Có TK 111, 112…

  • Trong quá trình nhập khẩu, nếu có phát sinh chi phí mua hàng như chi phí vận chuyển hàng về kho, chi phí lưu kho… những chi phí đó sẽ được ghi nhận vào giá trị hàng hóa và hạch toán:

Nợ TK 152, 153, 156, 211…;

Nợ TK 1331 – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ;

Có TK 111, 112, 331…

  1. Cách xác định tỷ giá hạch toán giá trị hàng nhập khẩu

Trường hợp 1: Thanh toán trước toàn bộ giá trị hàng hóa

Tỷ giá hạch toán giá trị hàng nhập khẩu và nợ phải trả là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi thực hiện giao dịch thanh toán.

Tỷ giá hạch toán các loại thuế phát sinh (thuế nhập khẩu, thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế BVMT…) là tỷ giá trên tờ khai hải quan.

  • Khi thanh toán trước:

Nợ TK 331 – Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi thực hiện giao dịch thanh toán;

Có TK 112 – Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi thực hiện giao dịch thanh toán.

  • Khi nhận hàng:

Nợ TK 152, 153, 156, 211 – Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày thanh toán trước;

Có các tài khoản thuế phát sinh 3332, 3333, 33381 – Áp dụng tỷ giá trên tờ khai hải quan;

Có TK 331 – Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày thanh toán trước.

Trường hợp 2: Thanh toán sau toàn bộ giá trị hàng hóa

Tỷ giá hạch toán giá trị hàng nhập khẩu và nợ phải trả là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại công ty bạn thường xuyên giao dịch tại ngày hàng hóa nhập khẩu thông quan;

Tỷ giá hạch toán các loại thuế phát sinh (thuế nhập khẩu, thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế BVMT…) là tỷ giá trên tờ khai hải quan.

  • Khi nhận hàng:

Nợ TK 152, 153, 156, 211 – Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày hàng hóa nhập khẩu thông quan;

Có các tài khoản thuế phát sinh 3332, 3333, 33381 – Áp dụng tỷ giá trên tờ khai hải quan;

Có TK 331 – Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày hàng hóa nhập khẩu thông quan.

  • Khi thanh toán công nợ:

Nợ TK 331 – Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày hàng hóa nhập khẩu thông quan;

Nợ TK 635 – Nếu phát sinh chênh lệch lỗ tỷ giá (tỷ giá tại ngày thanh toán cao hơn tỷ giá tại ngày hàng hóa nhập khẩu thông quan);

Có TK 515 – Nếu phát sinh chênh lệch lãi tỷ giá (tỷ giá tại ngày thanh toán thấp hơn tỷ giá tại ngày hàng hóa nhập khẩu thông quan);

Có TK 112 – Áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày thanh toán công nợ.

Trường hợp 3: Thanh toán trước một phần giá trị hàng hóa, phần còn lại thanh toán sau khi nhận hàng 

Tỷ giá hạch toán giá trị hàng nhập khẩu và nợ phải trả:

  • Ghi nhận theo tỷ giá của ngân hàng thương mại nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày thanh toán trước số tiền tương ứng với số tiền thanh toán trước;
  • Ghi nhận theo tỷ giá của ngân hàng thương mại nơi thực hiện giao dịch thanh toán tại ngày hàng hóa nhập khẩu thông quan số tiền còn lại chưa thanh toán cho nhà cung cấp.

Tỷ giá hạch toán các loại thuế phát sinh (thuế nhập khẩu, thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế BVMT…) là tỷ giá trên tờ khai hải quan.

Ví dụ:

Kế toán Hải Dương nhập khẩu một lô hàng có giá trị 20.000 USD. Kế toán Hải Dương thực hiện toàn bộ giao dịch thanh toán cho nhà cung cấp qua ngân hàng Vietinbank.

➜ Trường hợp 1: Kế toán Hải Dương thanh toán trước toàn bộ tiền hàng cho nhà cung cấp

  • Ngày 01/12/2021 Kế toán Hải Dương thanh toán toàn bộ 20.000 USD. Tỷ giá bán ra USD của ngân hàng Vietinbank tại ngày 01/12/2021 là 23.000đ/USD;

Nợ TK 331: 20.000 x 23.000

Có TK 112: 20.000 x 23.000

  • Ngày 15/12/2021 hàng về đến cảng Cát Lái. Giá trị hàng hóa sẽ được ghi nhận theo tỷ giá tại ngày thanh toán trước, không dùng tỷ giá trên tờ khai hải quan để ghi nhận giá trị hàng hóa.

Nợ TK 156: 20.000 x 23.000

Có TK 331: 20.000 x 23.000

➜ Trường hợp 2: Thanh toán sau toàn bộ số tiền hàng cho nhà cung cấp

  • Ngày 15/12/2021 hàng về đến cảng Cát Lái. Tỷ giá bán ra USD của ngân hàng Vietinbank tại ngày 15/12/2021 là 23.500đ/USD;

Nợ TK 156: 20.000 x 23.500

Có TK 331: 20.000 x 23.500

  • Ngày 20/12/2021 Kế toán Hải Dương tiến hành thanh toán toàn bộ giá trị lô hàng cho nhà cung cấp. Tỷ giá bán ra USD của ngân hàng Vietinbank tại ngày 20/12/2021 là 23.200đ/USD.

Nợ TK 331: 20.000 x 23.500

Có TK 112: 20.000 x 23.200

Có TK 515: 20.000 x (23.500 – 23.200)

➜ Trường hợp 3: Thanh toán trước một phần giá trị, phần còn lại thanh toán sau khi nhận hàng

  • Ngày 01/12/2021 Kế toán Hải Dương thanh toán trước 6.000 USD (30{8ce2139b0b0845f40b75df1fd6b7d4c87ef3ed6cdef6e3584b2dcf2382f05e44} giá trị đơn hàng) cho nhà cung cấp. Tỷ giá bán ra của Vietinbank tại ngày 15/12/2021 là 23.000đ/USD;

Nợ TK 331: 6.000 x 23.000

Có TK 112: 6.000 x 23.000

  • Ngày 15/12/2021 hàng về đến cảng Cát Lái. Tỷ giá bán ra USD của ngân hàng Vietinbank tại ngày 15/12/2021 là 23.500đ/USD;

Nợ TK 156: (6.000 x 23.000) + (14.000 x 23.500)

Có TK 331: (6.000 x 23.000) + (14.000 x 23.500)

  • Ngày 20/12/2021 Kế toán Hải Dương thanh toán 14.000 USD công nợ còn lại cho nhà cung cấp. Tỷ giá bán ra USD của ngân hàng Vietinbank tại ngày 20/12/2021 là 23.200đ/USD.

Nợ TK 331: 14.000 x 23.500

Có TK 112: 14.000 x 23.200

Có TK 515: 14.000 x (23.500 – 23.200)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.