Quy định về xuất hóa đơn & không xuất hóa đơn giá trị gia tăng
I. QUY ĐỊNH VỀ TRƯỜNG HỢP BẮT BUỘC PHẢI XUẤT HÓA ĐƠN GTGT
- Những trường hợp bắt buộc phải xuất hóa đơn GTGT
➤ Theo Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về hóa đơn chứng từ như sau:
Tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải có nghĩa vụ lập hóa đơn để giao cho người mua, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho nhân viên và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả và phải ghi đầy đủ nội dung theo Điều 10 của Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
➤ Theo Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm lập hóa đơn, theo đó:
- Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc sử dụng hàng hóa hoặc hoàn thành cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu hay chưa thu được tiền;
- Trường hợp thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng);
- Trường hợp giao hàng hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn, dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
Ví dụ: Ngày 22/12/2021, công ty DEF xuất hàng ra khỏi kho để bán cho khách hàng thì ngày hôm đó công ty DEF phải xuất hóa đơn, không cần biết công ty DEF đã thu được tiền hay chưa.
➤ Thông tư 39/2014/TT-BTC cũng có quy định như sau:
“Cơ sở nhận nhập khẩu ủy thác khi xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, nếu đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu thì lập hóa đơn GTGT để cơ sở đi ủy thác nhập khẩu làm căn cứ kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa ủy thác nhập khẩu. Trường hợp cơ sở nhận nhập khẩu ủy thác chưa nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, khi xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, cơ sở lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi đã nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu cho hàng hóa nhập khẩu ủy thác, cơ sở mới lập hóa đơn theo quy định trên.
Trường hợp ủy thác xuất khẩu hàng hóa, khi xuất hàng giao cho cơ sở nhận ủy thác, cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều động nội bộ. Khi hàng hóa đã thực xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan, cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu lập hóa đơn GTGT để kê khai nộp thuế, hoàn thuế GTGT hoặc hóa đơn bán hàng”.
- Quy định mức phạt khi bán hàng không xuất hóa đơn GTGT
➤ Theo Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn quy định như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với các trường hợp:
- Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ;
- Không lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho nhân viên, trừ hàng hóa luân chuyển hoặc tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ cho người mua theo quy định.
➤ Theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi trốn thuế, cụ thể:
Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:
- Phạt tiền gấp 1,5 lần số tiền trốn thuế đối với người nộp thuế thực hiện hành vi vi phạm mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
- Phạt tiền gấp 2 lần số tiền trốn thuế đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định mà có một tình tiết tăng nặng;
- Phạt tiền gấp 2,5 lần số tiền trốn thuế đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định có hai tình tiết tăng nặng;
- Phạt tiền gấp 3 lần số tiền trốn thuế đối với người nộp thuế thực hiện hành vi vi phạm có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
>> Kết luận: Theo đó, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ mà không lập hóa đơn sẽ bị xử phạt như sau:
- Xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn với mức phạt tối đa là 20.000.000 đồng;
- Nếu bị cơ quan thuế phát hiện hành vi trốn, gian lận thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn và gian lận;
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập hóa đơn theo quy định và nộp đủ số tiền trốn thuế vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm theo quy định như trên..
II. QUY ĐỊNH VỀ TRƯỜNG HỢP KHÔNG CẦN PHẢI XUẤT HÓA ĐƠN GTGT
Xuất hóa đơn là một trong những việc bắt buộc cần phải có trong kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại trừ, không cần phải xuất hóa đơn, trường hợp cụ thể được phân loại như sau:
➤ Trường hợp theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC:
Tổ chức hoặc cá nhân nhận các khoản thu bồi thường bằng tiền, tiền hỗ trợ, tiền thưởng, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
➤ Trường hợp theo quy định tại Thông tư 119/2014/TT-BTC:
Các trường hợp đơn vị kinh doanh tự sản xuất, xây dựng tài sản cố định nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh chịu thuế GTGT thì khi hoàn thành, nghiệm thu hay bàn giao, không cần phải lập hóa đơn.
Các trường hợp xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, mượn, trả lại, nếu có đầy đủ hợp đồng và các chứng từ liên quan thì đơn vị kinh doanh không phải lập hóa đơn, tính và nộp thuế GTGT.
➤ Trường hợp theo quy định tại Thông tư 26/2015/TT-BTC:
Nếu xuất hàng hóa luân chuyển hay tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh thì không phải lập hóa đơn và không phải nộp thuế GTGT.
Ví dụ: Doanh nghiệp ABC là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm giày da các loại, sau giai đoạn sản xuất đế giày, công ty chuyển tiếp qua khâu sản xuất tiếp theo để hoàn thành sản phẩm. Trong trường hợp này thì doanh nghiệp ABC không phải lập hóa đơn.
Ngoài ra, trường hợp xuất hàng hóa ký gửi đại lý cũng không phải xuất hóa đơn.